Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình tin tưởng Mobility, Cloud Computing và Big Data sẽ giúp con người tiếp cận cả thế giới chỉ bằng một cú chạm trên thiết bị cầm tay.
Chiều 23/8, anh Trương Gia Bình đã có buổi Open Talk mang chủ đề “Khát vọng FPT” với các cán bộ lãnh đạo FPT tại TP HCM.
|
Chủ tịch HĐQT FPT tâm huyết với chương trình Open talk. Ảnh: Nguyên Văn. |
Vận hội mới
Theo Chủ tịch HĐQT FPT, trong tương lai, các công nghệ hiện tại vẫn phát triển nhưng sẽ “thông minh” hơn với bộ ba: Công nghệ di động (Mobility), Điện toán đám mây (Cloud Computing) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Anh dự báo, 10 năm tới, thế giới sẽ dịch chuyển lên Cloud Computing và điều này sẽ làm đảo lộn cách sống của loài người.
Trong tương lai, người ta sẽ thực hiện mọi công việc vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu trên một thiết bị thông minh mang theo người, thay cho máy tính để bàn và máy tính xách tay như hiện nay. Công cụ lao động này sẽ giúp giải phóng con người khỏi những rào cản về không gian.
“OneFPT là mong muốn dẫn đầu công nghệ”, anh Bình khẳng định. “Và cơ hội bứt phá là chúng ta phải tham gia vào xu thế công nghệ mới của thế giới ngay từ khi bắt đầu”.
Thực tế, không phải đợi đến khi công nghệ này thật sự bùng nổ FPT mới tham gia, mà công ty đã bắt kịp ngay từ khi khái niệm mới manh nha. Để thực hiện giấc mơ này, FPT sẽ “đi” với các công ty có cùng hệ sinh thái (e-cosytems) với nhau. Năm 2009, FPT đầu tư Data Center cao cấp, bắt đầu xây dựng technology platform cho dữ liệu lớn.
Năm 2010, FPT lần lượt bắt tay với hai đại gia về điện toán đám mây là Microsoft và Trend Micro, khởi xướng F-Store, liên doanh với KDDI. Năm 2012, FPT tiên phong cung cấp Enterprise Mobility Platform để các doanh nghiệp có thể triển khai các dịch vụ của mình qua mạng lưới di động.
Anh Bình tin tưởng rằng, đây là lúc “vận hội của FPT đã đến” khi Đảng và Nhà nước quyết định đẩy mạnh CNTT và đưa ra đề án “Việt Nam là quốc gia mạnh về CNTT”.
Tháng 6/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết 16, đặt vận mệnh quốc gia vào CNTT. CNTT sẽ là hạ tầng của hạ tầng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Một yếu tố quan trọng khác là Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp CNTT tham gia giải quyết các vấn đề lớn của xã hội.
Với vai trò là một tập đoàn hàng đầu về CNTT, FPT không thể bỏ lỡ cơ hội này. “Tôi tin chắc nếu thành công, trong trang sử đó sẽ có FPT”, anh kỳ vọng.
Đây là thời cơ và cũng là thách thức của tập đoàn. Giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh… sẽ là những lời giải của FPT cho các vấn đề bức xúc của xã hội hiện nay.
Đơn cử như ngành y tế. FPT sẽ đưa CNTT vào các khâu khám chữa bệnh, làm giảm chi phí xét nghiệm - đang được đánh giá cao gấp 3 lần của thế giới; đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức cho bác sĩ và người thân. Hiện FPT đã có các dự án hợp tác với Bộ Y tế và bệnh viện lớn để triển khai việc này.
FPT đã hội tụ đầy đủ những yếu tố quan trọng để thực hiện khát vọng của mình. FPT không ngừng học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, thành lập “core team” là Hội đồng Công nghệ, đầu tư 200 tỷ đồng cho R&D và bổ sung nhân lực… để biến ước mơ thành hiện thực.
“Giống như việc FPT làm xuất khẩu phần mềm, lúc đầu rất khó khăn, nhưng chúng ta hãy đi từng bước một”, anh Bình chia sẻ.
|
Gần 100 lãnh đạo đã tham gia nghe anh Bình chia sẻ trực tiếp. Hơn 1.000 CBNV đã theo dõi chương trình được truyền hình trực tuyến trên web. Ảnh: Nguyên Văn. |
Tiếp nối ước mơ
Trong hơn 3 giờ đồng hồ Open Talk, những lát cắt quá khứ, thách thức của hiện tại và cơ hội trong tương lai đã được anh Bình khéo léo lồng ghép qua những câu chuyện cụ thể.
Ngược về 24 năm trước, anh Bình kể, khi ký quyết định thành lập FPT, GS-TS.Vũ Đình Cự đã hỏi: “Bọn em định làm gì?”. “Bọn em chưa biết làm gì, nhưng phải 'hi-tech'”, anh Bình khẳng định.
Đến phần chọn tên, anh Lê Quang Tiến, thành viên Hội đồng sáng lập, tổng kết: Những công ty máy tính nổi tiếng trên thế giới tên đều có 3 âm tiết, ví dụ như IBM. Sau đó, cái tên FPT được ra đời.
“Lúc đó, chúng ta không mường tượng rõ hình hài của FPT như thế nào. Nhưng chúng ta đều muốn sánh vai với các công ty hàng đầu thế giới”, anh Bình nói.
FPT đã luôn là người tiên phong theo những làn sóng công nghệ của thế giới. Theo gương Bill Gates, ông chủ của Microsoft, người mong muốn mang một chiếc máy tính vào bếp cho mẹ mình, FPT đã cài đặt những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên cho văn phòng của đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Năm 1995, FPT triển khai hệ thống client-server mạnh nhất của IBM cho Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Năm 1997, FPT thành lập Trung tâm Internet, trở thành ISP tư nhân đầu tiên ở mảnh đất hình chữ S, chỉ vài tháng sau khi Internet vào Việt Nam. Năm 2001, FPT lại là đơn vị khai trương một tờ báo thuần túy online đầu tiên tại Việt Nam.
Vẫn với “tham vọng” từ ngày thành lập, FPT đang vươn lên để sánh vai cùng các công ty lớn của thế giới. FPT đã bắt nhịp với xu thế chung của các tập đoàn lớn để triển khai Mobility, Cloud Computing khi khái niệm này mới chỉ được nhắc đến trong ba năm gần đây.
|
Phó Giám đốc Khối nội dung số FPT Online, Đinh Lê Đạt, bày tỏ mong muốn lãnh đạo cao cấp của tập đoàn nên thường xuyên chia sẻ hơn nữa. Ảnh: Nguyên Văn. |
Bên cạnh việc chia sẻ thông tin và khẳng định định hướng của FPT, anh Bình cũng đã dành hơn một giờ đồng hồ để giải đáp các thắc mắc của lãnh đạo FPT về chính sách nhân sự, thu hút người tài, R&D… Anh cũng hé lộ quyền lợi mà CBNV sẽ được hưởng trong thời gian tới.
“Người trẻ không vào FPT làm việc. Làm cách nào để khắc phục điều này”, Trưởng Ban Nhân sự FPT IS HCM Hoàng Công đặt câu hỏi.
“Câu hỏi đặt ra là thế hệ tài năng 9X có vào FPT không? Nhưng quan trọng hơn cả là những người tài giỏi thuộc thế hệ 7X, 8X có ở lại không?”, anh Bình nhấn mạnh. “Theo tôi, mình phất cờ, người ta sẽ theo. Do đó, FPT phải có những đề án làm rung động trí tuệ tài năng. OneFPT là công nghệ, là Mobility. Những đề án lớn này sẽ giúp thu hút được nhân lực”.
Sau khi giải quyết được vấn đề nhân lực, các lãnh đạo FPT lại băn khoăn về tài chính. “Tiền đâu để FPT đầu tư vào R&D?”.
Rất thẳng thắn, anh cho biết, FPT có thể đầu tư khoảng 200 tỷ đồng cho công nghệ. R&D thành công thì những người tham gia đề án sẽ được hưởng lợi từ việc này.
Đánh giá câu hỏi “FPT mong muốn tăng nhân sự lên 50.000 người, sao tập đoàn không nghĩ đến việc không tăng người mà thu nhập tăng gấp 3 lần?” của anh Dương Ngọc Long Nam, PGĐ Trung tâm Hệ thống thông tin FPT Telecom, là hay, anh Bình chia sẻ, FPT thực sự mong muốn tăng năng suất lao động và quy mô nhân sự.
Tuy nhiên, năng suất lao động ở FPT chưa cao. Do đó, lãnh đạo muốn nhận lương cao phải thực hiện được các yêu cầu như: Có những sản phẩm đẳng cấp, quy mô lớn và năng suất lao động.
Chia sẻ sau chương trình, anh Trịnh Thanh Hà, Trưởng Phòng Kinh doanh FPT Distribution, nhận xét: “Buổi trao đổi thật thú vị khi anh Bình đã bày tỏ và truyền được khát vọng OneFPT đến mỗi người tham dự. Đặc biệt, những kinh nghiệm và phương pháp luận rất chặt chẽ khiến tôi mở mang được nhiều”.
Hào hứng với những thông tin được chia sẻ trong buổi Open talk nhưng anh Trần Công Hiệp, FPT IS Soft, tiếc vì những chương trình cụ thể về định hướng công nghệ của FPT chưa được công bố.
“Tôi cho rằng lãnh đạo cấp cao FPT nên thường xuyên giao lưu hơn nữa để lãnh đạo các cấp được lắng nghe và trao đổi. Sau đó, lãnh đạo các cấp lại có nhiệm vụ truyền đạt đến CBNV đơn vị để nội dung gần gũi và đúng với định hướng của tập đoàn”, anh Đinh Lê Đạt, GĐ Khối Nội dung số FPT Online, đề xuất.
Nhiều lãnh đạo FPT đã có mặt tại hội trường phòng họp lớn ở 63 Võ Văn Tần, quận 3, từ rất sớm để nghe anh Bình chia sẻ. “Tôi đã sắp xếp công việc đến dự để có thể hiểu rõ hơn về định hướng, chiến lược mới của lãnh đạo tập đoàn”, Giám đốc FSU15 - FPT Software Lê Mai Anh, cho biết.
Theo Học viện Lãnh đạo FPT (FLI), lần đăng đàn này của Chủ tịch HĐQT FPT đã thu hút tới hơn 1.000 người xem trực tiếp trên http://leadtalk.ho.fpt.vn.
Lâm Thao - Nguyên Văn
|