Các con số kinh doanh được đặt ra trên cơ sở đã được phân tích kỹ và bám sát thị trường, khách hàng. Đó là một trong những điểm khác biệt trong việc lập kế hoạch kinh doanh theo phương pháp Balanced Score Card (BSC).
Các công ty thành viên FPT đã bắt tay vào việc lập kế hoạch kinh doanh 2013 ngay sau Hội nghị Chiến lược FPT kết thúc đầu tháng 11. Việc lên kế hoạch cho năm sau được triển khai sớm hơn so với những năm trước đây và kéo dài hơn một tháng. Dự kiến, kế hoạch kinh doanh của các đơn vị sẽ được hoàn tất trước ngày 15/12 tới.
Trong thời gian này, các đơn vị sẽ xây dựng thẻ điểm, bao gồm hành động cụ thể thực hiện và KPI (Key Performance Indicator) đo hành động và kết quả của những hành động đó, nhằm thực hiện các mục tiêu tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và nguồn lực.
PTGĐ FPT Telecom Nguyễn Hoàng Linh cho biết, từ ngày 23/11, đơn vị bắt đầu làm việc với tập đoàn về kế hoạch kinh doanh 2013 theo thẻ điểm. Theo đó, bản kế hoạch kinh doanh sẽ thể hiện đầy đủ, chi tiết chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, khách hàng, quy trình nội bộ…
|
Kế hoạch kinh doanh 2013 của các công ty thành viên sẽ chi tiết đến từng con số. Ảnh: Lâm Thao. |
Theo anh Linh, cách lập kế hoạch chi tiết này đã được công ty thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, với BSC, các chỉ số kinh doanh, nhân sự… của đơn vị được thể hiện khoa học hơn.
“Làm kế hoạch kinh doanh với BSC chuẩn hơn so với trước đây. Các con số về chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận, khách hàng được thể hiện chi tiết và đúng người, đúng việc”, anh Lê Văn Sử, Giám đốc Kinh doanh HTC toàn quốc, thuộc FPT Trading, nhận xét.
BSC là một bước tiến mới trong công tác lập kế hoạch kinh doanh. Theo đánh giá của anh Sử, lãnh đạo các cấp công ty phải mất nhiều công sức, thời gian suy nghĩ để có được những con số cụ thể trong bản kế hoạch.
Quản trị dự án BSC tập đoàn Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, đó là điểm khác biệt của cách lập kế hoạch kinh doanh theo phương pháp BSC. “Tất cả đều phải nghĩ, tìm tòi và đóng góp chất xám của mình vào bản kế hoạch năm sau”, anh nói.
Thực tế, cách làm kế hoạch kinh doanh của hầu hết các công ty Việt Nam hiện nay, trong đó có FPT, là “nước lên, thuyền lên”. Các doanh nghiệp sẽ lập kế hoạch dựa trên kết quả tăng trưởng của năm trước và sự phát triển của thị trường.
Với cách làm mới, tập đoàn và các đơn vị sẽ cùng ngồi phân tích, “nâng lên đặt xuống” từng con số, chỉ tiêu… một cách hợp lý. Các đơn vị sẽ phải trả lời một cách thỏa đáng câu hỏi “vì sao” cho việc tăng trưởng hay giữ vững chỉ tiêu trong năm 2013.
Theo anh Minh, bản kế hoạch này chính là “số hóa” chiến lược của các đơn vị đã lập ra từ trước, với những hành động quyết liệt và cụ thể. Điều này khác với cách làm cũ: Hành động chiến lược là kinh doanh.
Bên cạnh đó, trong bức tranh kinh doanh chung của đơn vị, sự liên kết giữa các bộ phận được thể hiện rõ rệt, chỉ rõ rằng với mục tiêu đó cần có những đơn vị nào tham gia. Và kinh doanh sẽ đặt đề bài cho khối chức năng triển khai.
“Khi các công ty thành viên bám theo con số, hành động cụ thể và chi tiết, tôi tin chắc rằng đơn vị sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh ở mức cao”, anh Minh khẳng định và cho biết, nhiều công ty lớn trên thế giới khi áp dụng thành công BSC thì kết quả đều cao hơn so với mục tiêu đề ra. Đó chính là hiệu quả mà “chiến tranh nhân dân” của BSC mang lại.
Cho rằng công cụ làm chiến lược này phù hợp với môi trường nhiều sức ép và dân chủ như FPT, Quản trị dự án BSC tin tưởng: “Không chỉ các công ty thành viên mà cả tập đoàn sẽ thay đổi khi chúng ta áp dụng thành công BSC”.
BSC đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới, với rất nhiều điển hình thành công trong hầu hết các ngành, lĩnh vực. Nghiên cứu Bain & Co kết luận rằng, có hơn 60% công ty thuộc Fortune 500 sử dụng BSC. Một khảo sát toàn cầu của 2GC vào năm 2011 cho thấy, 73% công ty áp dụng BSC đánh giá công cụ này hiệu quả ở mức “Cực kỳ” và “Rất cao”. |
Ngư Nhi
|